Trong mấy ngày qua, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại đồng loạt tăng, tăng thêm từ 1-2%/năm dao động theo kỳ hạn. Nguyên nhân do đâu? Việc tăng lãi suất ảnh hưởng như thế nào đến các bên liên quan và tổng thể nền kinh tế? Khuyến cáo nào cần cho người tiêu dùng, nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp? Đó là những câu hỏi được giải đáp trong bài viết này, dưới góc nhìn chủ quan của người viết.
NGUYÊN NHÂN
Thông thường, khi lãi suất tăng nhiều người nghĩ ngay đến chính sách kìm hãm lạm phát của Ngân hàng Nhà nước hay gọi chung là của Chính phủ. Điều này cũng dễ hiểu. Bởi khi lãi suất tăng, trong bối cảnh không có tác động của yếu tố khác, thì lượng cung tiền cho nền kinh tế giảm do người dân tiết kiệm để gởi tiền nhiều hơn và các DN cũng ngại việc vay tiền vì phải chịụ chi phí sử dụng vốn cao. Chính vì thế, dòng tiền trong nền kinh tế giảm và lạm phát sẽ giảm.
Tuy vậy, hiện tượng tăng lãi suất trong mấy ngày qua hoàn toàn không phải là hệ quả của chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm kìm chế lạm phát của chính phủ. Bởi lẽ, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam hiện tại không quá báo động (chỉ tầm 2% năm 2021 và dự báo năm nay cũng không cao), vẫn còn thấp hơn so với các nước trong khu vực và thấp hơn tỷ lệ lạm phát tối ưu khoảng 3,5% mà nhiều nhà nghiên cứu đã công bố kết quả.
Ngược lại, lãi suất tăng là hệ quả của chính sách tiền tệ mở rộng của chính phủ thông qua việc nới room tín dụng, cho phép các ngân hàng tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng. Thật vậy, theo thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, Ngân hàng Trung ương đã nhiều đợt nới room tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Tổng số tiền ước tính được nới lên đến cả trăm nghìn tỷ. Đây là động thái mà chính phủ muốn bơm tiền vào nền kinh tế thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, nơi có số nhân tiền, để thúc đẩy nền kinh tế.
Mục tiêu của chính phủ làm muốn nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch, hỗ trợ các DN đang gặp khó khăn trước diễn biến xấu của nền kinh tế thế giới. Các doanh nghiệp xuất khẩu hiện đang hiếm đơn hàng, đang gặp khó khăn. Dù giá ngoại tệ cao nhưng các DN không hoặc ít xuất được hàng nên không được hưởng lợi nhiều. Các doanh nghiệp vay vốn bằng USD càng khó hơn khi tự nhiên phải mắc thêm nợ khi giá đôla cao. Tương tự DN xuất khẩu gặp khó, DN bán hàng trong nước cũng ko dễ thở khi room tín dụng bị cạn. Người tiêu dùng không vay được vốn thì cũng hạn chế chi tiêu. Nhà đầu tư không vay được vốn cũng nằm im chờ thời nếu cần dùng đòn bẩy tài chính. Thế nên các DN bán hàng trong nước sẽ gặp khó khi cầu giảm. Ngoài ra, nếu tiếp tục siết room tín dụng thì các DN cũng khát vốn cho dù lãi suất thấp. Chính vì lẽ đó nên chính sách nới room tín dụng là hợp lý trong thời điểm này để kích thích nền kinh tế.
Việc nới room tín dụng, chính nó đã tác động làm tăng lãi suất. Bởi lẽ, khi được nới room, các ngân hàng thương mại cần một lượng vốn lớn hơn để hoạt động. Ở đâu ra cả trăm nghìn tỷ để cho vay? Kênh huy động là kênh khả dĩ nhất. Chính vì các ngân hàng đều cần vốn huy động nên cầu tiền tăng. Điều này dẫn đến giá của tiền tăng, nghĩa là lãi suất tăng. Đây là quy luật tất yếu của thị trường.
Tóm lại, lãi suất tăng là do việc tăng cầu tiền của các ngân hàng thương mại sau khi được nới room, không phải cho chính sách thắt chặt tiền tệ của chính phủ để kìm chế lạm phát.
TÁC ĐỘNG CỦA VIỆC TĂNG LÃI SUẤT ĐẾN CÁC BÊN LIÊN QUAN
– Với Các ngân hàng thương mại
Việc tăng lãi suất huy động ắt hẳn sẽ dẫn đến sự gia tăng lãi suất cho vay của các ngân hàng. Ngân hàng sau khi huy động thường cộng thêm 3%/năm để đưa ra lãi suất cho vay. Với ngân hàng, việc tăng lãi suất thường không bị bị ảnh hưởng nhiều bởi họ có cái phao biên độ 3%. Lãi suất huy động cao bao nhiêu thì lãi suất cho vay nổi lên theo cái phao đó, nên càng nới room ngân hàng càng được lợi. Cho vay càng nhiều thì họ càng có nhiều cái 3% để chi trả cho chi phí hoạt động và thu lợi nhuận.
– Với người gởi tiền
Rõ ràng đây là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp. Khi lãi suất tăng thì họ sẽ được tiền lãi nhiều hơn. Giả sử, một người gởi 1 tỷ vào ngân hàng chỉ có lãi 60 triệu nếu lãi suất 6%/năm. Nhưng khi lãi suất tăng lên 7%/năm thì tự nhiên họ có thêm 10 triệu mà không phải làm gì.
– Với người vay cá nhân
Ngược lại với người gởi, người vay tiền tự nhiên phải tốn tiền thêm để trả lãi khi lãi suất tăng. Giả sử ban đầu lượng vay 1 tỷ với lãi suất 9%, người vay tự nhiên phải mất 10 triệu/năm khi lãi suất tăng lên 10%. Thiệt hại là rất rõ ràng. Người vay bị nghèo đi một cách thụ động nếu thu nhập của họ không thay đổi. Tuy vậy, người vay cá nhân vẫn sẽ dễ dàng tiếp cận vốn hơn khi room tín dụng được nới. Chẳng hạn, như trước đây, khi tín dụng siết chặt với lĩnh vực BDS, nhiều nhà đầu tư vẫn “bó tay” nếu nhìn thấy cơ hội đầu tư tốt trong bối cảnh thiếu ít vốn. Nay, room tín dụng được mở và có khả năng mở luôn cho lĩnh vực BĐS thì nhà đầu tư vẫn có thể chóp lấy cơ hội nếu có sản phẩm đầu tư tốt.
– Với đối tượng vay doanh nghiệp
Tương tự người vay cá nhân, DN vay vốn sẽ phải tốn tiền nhiều hơn khi lãi suất tăng cho khoản mục chi phí tài chính hay chi phí sử dụng vốn. Điều này gây khó cho doanh nghiệp. Ở chiều ngược lại, việc nới room tín dụng, nguyên nhân khiến lãi suất tăng, sẽ giúp DN dễ vay vốn hơn khi cần. Lãi suất thấp mà không vay được thì vẫn không bằng lãi suất cao hơn 1 tí mà vay 1 một cách dễ dàng, thậm chí có thể với hạn mức cao hơn. Ngân hàng huy động nhiều thì họ cũng phải tìm đầu ra nên cái lợi kể trên đối với doanh nghiệp là hiện hữu.
– Đối với nền kinh tế
Nếu chỉ xét việc tăng lãi suất, thì rõ ràng hiện tượng này sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. GDP =C+I+G+X-M nên tăng lãi suất sẽ tác động xấu đến tăng trưởng khi lãi suất cao làm giảm tiêu dùng C và giảm đầu tư I.
Nếu xét riêng chính sách nới room tín dụng thì tác động tích cực đối với tăng trưởng. Dư nợ tín dụng tăng làm tăng cầu tiêu dùng C và đầu tư I. Khi được vay thêm thì người tiêu dùng, nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp sẽ tăng chi tiêu và vì thế là tăng tổng cầu, kích thích nền kinh tế.
Thật khó xác định tác động nào mạnh hơn giữa chính sách nới room tín dụng và hệ quả của nó là việc tăng lãi suất nếu không có một nghiên cứu thật kỹ lưỡng, thật khoa học, dựa trên những dữ liệu đầy đủ và chính xác. Khó quá bỏ qua. Dù vậy, người viết vẫn có cái nhìn tích cực về việc này. Bởi trong bối cảnh kinh tế khó khăn thì việc nới tín dụng để kích thích kinh tế là cần thiết. Việc tăng lãi suất, dù gây khó cho người vay nhưng nó lại là một công cụ giúp sàng lọc để chọn ra những người biết tính toán và khôn ngoan hơn trong nền kinh tế. Khi lãi suất tăng, người tiêu dùng hay nhà đầu tư cá nhân vay vốn buộc phải cân nhắc kỹ trước khi vay. Tương tự, doanh nghiệp cũng cân nhắc và phân tích kỹ phương án kinh doanh có vay vốn của mình để tìm ra phương án tốt sao cho đảm bảo lợi nhuận sau khi chi trả tất cả các khoản chi phí, trong đó có chi phí sử dụng vốn với lãi suất cao. Hơn nữa, việc tăng lãi suất, như hệ quả của chính sách nới room tín dụng, chính nó lại là công cụ ngăn ngừa lạm phát tăng cao khi chính phủ tăng cung tiền bằng kênh này. Nói nom na, việc tăng lãi suất như cái chì, giúp người câu cá kiểm soát việc câu cá tốt hơn khi cái phao bồng bềnh trước gió.
KHUYẾN CÁO CHO NGƯỜI VAY
Khi lãi suất tăng, người vay thường kêu ca và than vãn. Thế nên, khuyến cáo thứ nhất chính là hãy đừng than vì hai lý do sau:
– Thứ nhất, Khi lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay của ngân hàng sẽ tăng, dự là tầm 10-12% đối với đối tượng vay sản xuất và cao hơn một ít với các khoản vay tiêu dùng. Con số này so với mức lãi suất 1-2 năm trước rõ ràng là cao thật. Nhưng cần nhớ rằng, lãi suất thấp thời trước là do chính phủ điều tiết đẩy xuống thấp để cứu các doanh nghiệp đang kiệt huệ sau dịch Covid-19. Nay dịch tạm ổn và các doanh nghiệp bớt tổn thương nên lãi suất tăng lên là bình thường. Con số 10-12% là mức lãi suất bình thường ở Việt Nam suốt 1-2 thập kỷ qua, ngoại trừ một số thời điểm cá biệt.
– Thứ hai, nếu so với mức lãi suất khoảng 10 năm trước thì mức lãi suất này vẫn còn thấp. Với những ai quan tâm, ắt hẵn còn nhớ đến mức lãi suất huy động lên đến 20% và lãi suất cho vay trên 20% trong những năm đầu của thập kỷ vừa qua (2011-2012). Nguồn vốn được huy động với lãi suất cực cao được đẩy vào ngành BĐS khiến các DN sản xuất vô cùng khó khăn. Sau đó, chính phủ mới định ra lãi suất trần 14% để kìm hãm mức tăng kỷ lục này. Trong bối cảnh đó, nền kinh tế vẫn ổn và các DN vẫn sống. Thế nên, lãi suất vay tầm 10-12% không đáng để ca thán vào thời điểm này. Thay vào, người vay đó cần có những quyết định khôn ngoan hơn dựa trên những tính toán phân tích kỹ lượng.
Khuyến cáo thứ hai đi vào cụ thể dành cho người tiêu dùng cá nhân, nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp cần vay vốn. Khuyến cáo đó là gì?
- Với người vay tiêu dùng cá nhân
Tiêu dùng bằng tiền vay, mua hàng trả góp… ngày càng phổ biến trong thời đại ngày nay. Nhiều người đã mua trước hàng hóa trước khi kiếm đủ tiền để mua nó bằng mặt, bù thêm bằng vốn vay. Nhà, ôtô, hàng điện máy, điện thoại… là những hàng hóa mà nhiều người đã mua bằng vốn vay hoặc hình thức trả góp.
Điều này không hoàn toàn là xấu đối với cá nhân người tiêu dùng, bởi món nợ vay tiêu dùng đôi khi lại là một động lực giúp người vay làm việc tích cực hơn, năng động hơn để tìm thêm nguồn thu nhập. Sau khi trả hết nợ, người vay có thêm nhiều kinh nghiệm vượt khó và có cái đà để có thể phát triển hơn trong tương lai. Đối với nền kinh tế, việc tiêu dùng bằng vốn vay và mua hàng trả góp cũng không xấu, giúp tăng cầu cho nền kinh tế.
Tuy vậy, trong bối cảnh lãi suất cao, việc quyết định vay vốn để tiêu dùng hay mua hàng trả góp cần được người vay xem xét cẩn thận. Người mua hàng bằng vốn vay hay mua trả góp đa số là những người có sức khỏe tài chính không được tốt. Thế nên, việc thiếu cân nhắc trong việc tiêu dùng bằng vốn vay có thể dẫn đến tình trạng “làm để nuôi ngân hàng”, vừa ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống vừa luôn mang nỗi lo trả nợ.
Dù lãi suất chỉ tăng thêm 1-2%/năm nhưng đôi khi sự gia tăng này khiến cho người vay tiêu dùng bị rớt ra khỏi ngưỡng an toàn. Để hiểu rõ, hãy thử xem tình huống cụ thể sau:
“Hai vợ trong trẻ có thu nhập 40 triệu/tháng. Hàng tháng, đôi vợ chồng này chi tiêu tiết kiệm 15 triệu, còn 25 triệu tích lũy. Sau khi tích lũy được 500 triệu, họ quyết định mua một căn hộ giá 2,5 tỷ với lượng vốn vay là 2 tỷ, lãi suất 0,8%/tháng, thời hạn vay là 30 năm. Với giả định vay trên, hàng tháng đôi vợ chồng này phải trả cho ngân hàng 23,7 triệu, trong đó gốc là 7,7 triệu (2 tỷ/360 tháng) và lãi 16 triệu. Thời điểm này đôi vợ chồng đó vẫn cảm thấy an toàn khi tiền tích lũy vẫn cao hơn tiền trả ngân hàng. Nhưng khi lãi suất tăng lên 1%/tháng, số tiền hàng tháng phải trả cho ngân hàng lên đến 27,7 triệu (20 triệu lãi và 7,7 triệu gốc). Có số này đã vượt ngưỡng an toàn và chắc chắn đôi vợ chồng này sẽ khó khăn hơn, khi phải cắt xén bớt chi tiêu nếu không có thêm nguồn thu nhập”.
Ví dụ trên đã minh họa cho việc tăng lãi suất có thể khiến người vay vượt ngưỡng an toàn. Do vậy, người vay tiêu dùng cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi vay để không bị áp lực nợ làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nếu đã vay rồi thì sao? Có lẽ, người vay cần xem áp lực từ nghịch cảnh khó khăn này là một động lực để làm việc nhiều hơn nhằm kiếm tiền nhiều hơn, một mặt đáp ứng được nhu cầu trả nợ, mặt khác để nâng cao chất lượng cuộc sống trong tương lai.
- Với nhà đầu tư cá nhân
Có nhiều kênh đầu tư cho những người đầu tư cá nhân, chẳng hạn như: chứng khoán, vàng, đôla, coin, BĐS, trái phiếu… Trong các kênh trên, có lẽ kênh đầu tư BĐS là kênh thu hút nhiều vốn vay nhất. Nguyên nhân vì các kênh khác có thể tiềm ẩn rủi ro cao hay có suất sinh lợi thấp hơn. Chính vì lẽ đó, phần này đơn cử bằng tình huống vay đầu tư BĐS.
Khi lãi suất vay thấp, nhà đầu tư BĐS thoải mái hơn trong việc lựa chọn sản phẩm đầu tư, có thể là ngắn hạn hay dài hạn, mà không quá lo về áp lực trả lãi. Chính vì lẽ đó, nhiều người sẵn sàng dùng đòn bẩy tài chính (vốn vay) để đầu tư dài hạn cho những mảnh đất nông nghiệp ở vùng sâu vùng xa với giá rẻ để chờ đón sự tăng giá theo cấp số nhân trong tương lai xa.
Nay lãi suất đã tăng, áp lực trả lãi vay sẽ lớn hơn. Do vậy, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ về khả năng sinh lời của các sản phẩm đầu tư để đảm bảo lợi nhuận. Ngoài suất sinh lợi, tính thanh khoản cũng là chỉ tiêu để cân nhắc. Khi lãi suất cao, những sản phẩm có tính thanh khoản cao, dễ chuyển nhượng, nên được ưu tiên lựa chọn. Bởi nhỡ lãi suất tiếp tục tăng hoặc sức khỏe tài chính cá nhân của nhà đầu tư có vấn đề thì nhà đầu tư có thể chấp nhận lời ít hoặc bán cắt lỗ một cách dễ dàng khi cần. Nếu đầu tư sản phẩm BĐS dài hạn ở vùng sâu xa, thị trường ít biến động, ít giao dịch (ít cò) có tính thanh khoản thấp, thì nhà đầu tư có thể sẽ rơi vào tình trạng “đuối” khi muốn cắt lỗ mà cắt không được do bán sản phẩm ko ai mua. Mặt khác, lượng vay và tỉ trọng vốn vay trong tổng giá trị đầu tư cũng là một chỉ tiêu cần quan tâm. Khi lãi suất thấp, người đầu tư có thể vay nhiều với tỷ lệ vốn vay lớn, có thể lên đến 70% giá trị sản phẩm đầu tư. Một khi lãi suất cao, những con số trên cần hạ xuống để đảm bảo sự an toàn. Con số cụ thể cho mỗi nhà đầu tư tùy thuộc vào sức khỏe tài chính, khả năng ứng biến, “khẩu vị” chấp nhận rủi ro và kinh nghiệm cá nhân của nhà đầu tư đó. Không có một con số nào gọi là chuẩn cho mọi người được.
Tóm lại, dù đầu tư sản phẩm nào, kênh nào, nhà đầu tư cần phân tích thị trường, dự báo tốt sự tăng giá trong tương lai, tính toán kỹ khả năng sinh lời và đặc biệt là có phương án tài chính đảm bảo trong thời gian đầu tư một khi đã dùng đòn bẩy tài chính.
- Đối với doanh nghiệp vay vốn
Với đối tượng này, người viết không dám khuyến cáo nhiều, bởi hầu hết các chủ doanh nghiệp đã có đủ kiến thức và kinh nghiệm để đưa ra quyết định vay vốn của mình. Dù vậy, một vài lời vẫn được đưa ra cho các bạn trẻ khởi nghiệp hoặc các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có nhiều kinh nghiệm.
Trong bối cảnh lãi suất cao, người khởi nghiệp hoặc người đưa ra phương án kinh doanh mới cần dự toán chi phí lãi vay ở mức cao trước khi tính toán các chỉ tiêu đánh giá tính khả thi kinh tế của dự án khởi nghiệp hay phương án kinh doanh. Ngay cả sử dụng vốn nhà cũng cần đưa chi phí tài chính vào phương án kinh doanh bởi vốn nhà cũng có chi phí cơ hội của nó. Việc lập dự toán cho phương án kinh doanh cần được thực hiện kỹ lưỡng, đảm bảo tính đúng và đủ các khoản mục chi phí phát sinh, để tránh tình trạng tưởng lời nhưng hóa ra lỗ khi triển khai dự án. Lúc đó, áp lực lãi vay sẽ kinh khủng hơn nữa.
Trong hoạt động kinh doanh, quyết định vay vốn cần cẩn trọng, nhất là các khoản vốn vay dài hạn. Áp lực trả lãi cao cho vốn vay dài hạn có thể đẩy doanh nghiệp vào tình trạng gặp khó khăn thường xuyên trong việc quản lý dòng tiền. Có nhiều trường hợp việc thiếu tiền trong ngắn hạn đã khiến chủ doanh nghiệp phải vay ngắn (vay nóng) nuôi dài (trả lãi vay dài hạn) với lãi suất cao, làm kiệt huệ nguồn lực của doanh nghiệp và khiến doanh nghiệp ngập trong khó khăn, thậm chí có thể bị buộc phải giải thể phá sản.
Tóm lại, khi sử dụng đòn bẩy tài chính cho hoạt động kinh doanh với mức lãi suất cao, chủ doanh nghiệp cần phải phân tích kỹ lợi ích chi phí trước khi vay vốn cho một phương án kinh doanh nào đó. Phương án kinh doanh phải đảm bảo sinh lời sau khi trang trải tất cả các chi phí phát sinh, trong đó có chi phí lãi vay.
Bài viết kết thúc tại đây. Hy vọng bài viết cung cấp một cái nhìn đầy đủ hơn về hiện tượng tăng lãi suất đang diễn ra. Nếu có điều gì không hợp lý, mời các bạn comment tranh luận để giúp mọi người hiểu rõ hơn mọi khía cạnh của vấn đề.
Xin cảm ơn!